TÁC DỤNG TRỊ UNG THƯ CỦA LINH CHI THEO CÁC CHỨNG CỨ KHOA HỌC
- Trần Thị Vân Anh, ThS. Trương Văn Đạt
Đại học Y Dược Tp. HCM
Linh chi (Ganoderma lucidum) được sử dụng trong y học Trung Hoa từ rất lâu với tác dụng kéo dài tuổi thọ và tăng cường sinh lực. Hiện nay, loại nấm này được sử dụng như một dạng thực phẩm chức năng với nhiều tác dụng đáng chú ý. Một trong những công dụng mà người sử dụng Linh chi mong muốn đó là khả năng phòng ngừa ung thư và trị ung thư. Tuy nhiên, khi được xếp vào dạng thực phẩm chức năng có nghĩa là những công dụng của dược liệu vẫn chưa có những minh chứng khoa học rõ ràng đủ để thuyết phục các nhà quản lý là nó có hiệu quả và an toàn. Bài viết này cung cấp những thông tin nghiên cứu đáng tin cậy về tác dụng tăng cường miễn dịch và chống ung thư của Linh chi đã được công bố.
Thành phần hoạt tính: các polysaccharide và triterpen
Tác dụng trị ung thư của Linh chi được đóng góp bởi nhiều thành phần hóa học bao gồm các hợp chất phenol, steroid, acid amin, lignin, vitamin, nucleosid trong đó các polysaccharide và triterpenoid là 2 nhóm hợp chất chính. Hiện nay đã có hơn 100 hợp chất polysaccharide và triterpenoid đã được phân lập và xác định, một số hợp chất thể hiện tác dụng kích thích miễn dịch, chống oxy hóa, chống khối u rất rõ.
Polysaccharide chiết xuất từ Linh chi là những đại phân tử có khối lượng từ 4 x 10 5 đến 1 x 106, khả năng hòa tan phụ thuộc vào khối lượng phân tử và nhiệt độ. Thông thường các polysaccharide có thể được chiết bằng nước nóng, dung dịch kiềm, dung dịch muối, sau đó có thể tinh chế bằng cách tủa trong cồn. Các polysaccharide trung hòa (β-1"3, β-1"6 homo glucan), glucan có nhóm chức acid thường có tác dụng sinh học, các glucan mạch nhánh có liên kết (1"3)-, (1"4)-, và (1-6) có tác dụng chống lại gen đột biến và sự di căn của khối u. Một nghiên cứu đã báo cáo β-D-glucan của Linh Chi có tác dụng chống khối u và hấp thu tốt khi dùng đường uống so với các β-D-glucan tổng hợp đã được thương mại hóa. Tác dụng chống khối u của β-D-glucan chủ yếu do cấu trúc mạch nhánh (1"3) gắn với receptor và kích hoạt hệ thống đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, các phân đoạn polysaccharide không thể hiện tác dụng tốt như khi sử dụng dịch chiết của toàn cây Linh chi, chứng tỏ các tác dụng sinh học không phải do 1 thành phần mà là tác dụng cộng hợp của nhiều thành phần khác nhau, trong đó có triterpenoid.
Triterpenoid trong Linh chi cũng đã được nghiên cứu và chứng minh có rất nhiều công dụng chú ý. Thành phần triterpenoid tạo nên vị đắng đặc biệt cho Linh chi và có thể giúp đánh giá sơ bộ chất lượng của Linh chi. Các triterpen có cấu trúc khung lanostane (acid ganoderenic, acid lucidone, ganoderal và ganoderol) đã được chứng minh tác dụng ức chế các dòng tế bào ung thư trên mô hình nghiên cứu in vitro.
Cấu trúc một số triterpen trong Linh chi
Bảng so sánh Tác dụng ức chế tế bào ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt của linh chi
Nguồn linh chi (ký hiệu các nguồn linh chi khác nhau) |
% ức chế tế bào ung thư vú |
% ức chế tế bào ung thư tuyến tiền liệt |
||
Tế bào di căn |
NF-κB |
Tế bào di căn |
NF-κB |
|
Bào tử A |
90 ± 3,7 |
71 ± 4,6 |
84 ± 1,1 |
65 ± 14,5 |
Bào tử B |
10 ± 5,2 |
3 ± 3,9 |
17 ± 7,4 |
17 ± 0,5 |
Toàn thân A |
87 ± 3,6 |
82 ± 9,2 |
94 ± 1,3 |
66 ± 3,0 |
Toàn thân B |
54 ± 2,2 |
32 ± 13,7 |
39 ± 7,2 |
25 ± 0,9 |
Bột chiết với bào tử |
99 ± 1,0 |
87 ± 1,9 |
89 ± 1,8 |
97 ± 0,8 |
Từ bảng này có thể thấy các bộ phận của Linh chi đều có tác dụng ức chế các tế bào ung thư nhưng Bào tử có tác dụng cao nhất.
Các nghiên cứu về tác dụng độc tế bào ung thư
Trong các loại nấm, Linh chi có tác dụng độc tế bào ung thư mạnh nhất. Tác dụng gây độc có thể là trực tiếp giết chết tế bào ung thư hoặc ngăn sự tăng trưởng của chúng.
Các dòng tế bào ung thư đã được nghiên cứu là: tế bào ung thư bạch cầu L1210, tế bào ung thư phổi (LLC), tế bào ung thư vú (MDA-MB-123), tế bào ung thư tuyến tiền liệt (PC-3), tế bào ung thư vú (MCR-7)….
Nghiên cứu về tác dụng can thiệp chu trình tế bào và các tín hiệu điều hòa
Quá trình phát triển của tế bào phụ thuộc vào giai đoạn phân chia và điều hòa ở mức cân bằng lượng tế bào sống và tế bào chết; nếu tế bào tăng sinh quá mức kiểm soát sẽ hình thành các khối u. Đã có những nghiên cứu thực hiện để tìm hiểu tác động của Linh chi trên chu trình sống của tế bào ung thư. Dịch chiết cồn của Linh chi gây quá trình tự diệt của tế bào ung thư ruột (HT-29) bằng cách tăng hoạt động của caspase-3 và nitric oxide (NO)
Trên dòng tế ung thư tuyến tiền liệt, dịch chiết Linh chi ức chế sự tổng hợp các protein (Bcl-2 và Bcl-xl) qua con đường NF-κB, cản trở quá trình phân chia tế bào. Một số nghiên cứu khác cũng đã chứng minh dịch chiết Linh chi làm thay đổi các protein tín hiệu cần thiết trong các giai đoạn phân chia tế bào của dòng tế bào ung thư vú, ung thư gan…
Nghiên cứu về tác dụng chống cấp dưỡng cho khối u và di căn
Quá trình phát triển khối u đòi hỏi sự hình thành các mạch máu để cung cấp chất dinh dưỡng. Các tế bào ung thư còn xâm lấn qua các mô thông thường thông qua sự lan truyền tế bào qua máu và hạch bạch huyết. Để nghiên cứu tác dụng của Linh chi, các nhà khoa học dùng mô hình màng bao phôi trứng để quan sát quá trình hình thành mạch máu. Kết quả cho thấy dịch chiết polysaccharide từ Linh chi ức chế sự hình thành các vi mạch. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy dịch chiết Linh chi ức chế sự di chuyển của các dòng tế bào ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quan. Các thành phần hóa học của Linh chi can thiệp vào các tín hiệu điều hòa, vận động của tế bào ảnh hưởng đến sự kết dính của các tế bào ung thư
Các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy phân đoạn polysaccharide và triterpenoid của Linh chi làm giảm kích cỡ của khối u và tăng thời gian sống của những chuột bị gây ung thư.
Minh họa quá trình tế bào kết dính và di cư, các triterpen sẽ ức chế quá trình này
Nghiên cứu lâm sàng
Có 2 nghiên cứu lâm sàng có đối chứng sử dụng chế phẩm Linh chi là Ganopoly thực hiện trên 34 bệnh nhân ung thư. Các bệnh nhân sử dụng viên Linh chi ở liều 1,800 mg trong 12 tuần. Kết quả cho thấy 80% bệnh nhân có hệ miễn dịch được tăng cường biểu hiện qua sự gia tăng các protein IL-2, IL-6 và IFN-γ trong huyết tương. Một nghiên cứu khác dùng cùng chế phẩm Linh chi cho 68 bệnh nhân ung thư phổi cho thấy chất lượng cuộc sống theo thang điểm Karnofsky được cải thiện trong số 65% bệnh nhân. Xét nghiệm cho thấy lượng tế bào T và NK tăng lên và tỉ số CD4/CD8 tăng nhẹ ở nhóm điều trị so với nhóm dùng placebo.
Kết luận
Kết quả của rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy Linh chi có tác dụng trên nhiều loại ung thư khác nhau. Trên cơ sở số lượng các nghiên cứu in vitro và in vivo cho thấy hiệu quả rõ ràng của Linh chi, có thể tin tưởng Linh chi là một liệu pháp trị liệu cho bệnh ung thư và trong tương lai khi các nghiên cứu lâm sàng được triển khai đầy đủ, Linh chi có thể sẽ trở thành thuốc chữa bệnh ung thư.