Hệ thống miễn dịch của người
Hệ thống miễn dịch là một hệ thống bảo vệ của cơ thể bao gồm nhiều cấu trúc và quá trình sinh học chống lại bệnh tật. Để hoạt động hiệu quả, hệ thống miễn dịch phải phát hiện được rất nhiều tác nhân gọi là mầm bệnh, từ virut đến ký sinh trùng, và phân biệt chúng với mô khỏe mạnh của cơ thể. Ở nhiều loài, hệ thống miễn dịch có thể được phân loại thành các hệ thống nhỏ, như hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thu được, hoặc miễn dịch thể dịch và miễn dịch qua trung gian tế bào.
Các thành phần chính của miễn dịch bẩm sinh bao gồm:
- Các hàng rào vật lý và hoá học như da, niêm mạc, các chất kháng khuẩn được tiết ra trên các bề mặt này
- Các tế bào thực bào (tế bào trung tính, đại thực bào) và tế bào NK (tế bào giết tự nhiên)
- Các protein trong máu, bao gồm các thành phần của hệ thống bổ thể và các chất trung gian khác của phản ứng viêm
- Các protein gọi là cytokin có vai trò điều hoà và phối hợp các hoạt động của tế bào trong hệ miễn dịch bẩm sinh. Hệ miễn dịch bẩm sinh tạo ra những phản ứng đầu tiên chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật
Ngược với hệ miễn dịch bẩm sinh, có những đáp ứng miễn dịch khác được kích thích bởi sự tiếp xúc với vi sinh vật và tạo ra cường độ tăng dần nếu sự tiếp xúc này được lặp đi lặp lại. Bởi vì dạng đáp ứng này chỉ xuất hiện sau khi vi sinh vật xâm nhập cơ thể nên nó được gọi là miễn dịch thu được. Tính chất đặc biệt của đáp ứng miễn dịch thu được là tính đặc hiệu đối với từng phân tử và khả năng “nhớ” khi phân tử đó xâm nhập trở lại cơ thể để tạo ra một đáp ứng mạnh hơn nhiều so với lần xâm nhập đầu tiên. Hệ miễn dịch thu được có khả năng nhận diện và phản ứng lại với nhiều vật lạ có bản chất nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.
Rối loạn hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến bệnh tự miễn dịch, các chứng viêm và ung thư. Suy giảm miễn dịch xảy ra khi hệ miễn dịch ít hoạt động hơn bình thường, dẫn đến các bệnh nhiễm trùng tái phát và đe dọa đến mạng sống. Tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp hệ thống này “khỏe mạnh” và hoạt động tốt để bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa các bệnh thứ phát được chú ý, nhất là trong gia đoạn hiện nay, con người phải đối mặt với nhiều tác nhân gây suy giảm và rối loạn hệ thống miễn dịch như phóng xạ, hóa chất, virus, vi khuẩn… Tăng cường miễn dịch trở thành nhu cầu cần thiết. Đặc biệt việc bổ sung những thực phẩm chức năng từ dược liệu được yêu thích vì tính an toàn của nó. Nổi trội trong các dược liệu cho tác dụng này được biết đến là nấm Linh chi.
Dùng nấm Linh chi để tăng cường hệ miễn dịch
Nấm Linh Chi đã được sử dụng từ lâu ở Trung Quốc để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh khác nhau. Polysaccharid chiết xuất từ nấm linh chi là một trong những thành phần có hiệu quả. Một số báo cáo đã chứng minh rằng polysaccharid này điều chỉnh chức năng miễn dịch trong các mô hình in-tro và in-vivo. Hiệu quả điều hòa miễn dịch của polisaccharid từ nấm linh chi rất rộng, bao gồm gia tăng hoạt độngcủa các tế bào biểu hiện kháng nguyên, hệ thống bạch cầu đơn nhân, miễn dịch dịch thể, và miễn dịch tế bào. Các cơ chế tế bào và phân tử, các thụ thể có thể liên quan, và các tầng tín hiệu kích hoạt cũng đã được nghiên cứu in vitro.
Năm 2006, Xiao-Ling Zhua và cộng sự thực hiện nghiên cứu về tác động tăng cường hệ miễn dịch của polysaccharides từ nấm linh chi trên chuột. Sau khi gây mô hình ức chế miễn dịch bằng cyclophosphamid, chuột được điều trị với polysaccharid từ nấm linh ở những liều thấp (2.5 mg/kg), trung bình (25 mg/kg) và cao (250 mg/kg) trong vòng 7 ngày liên tiếp. Kết quả cho thấy ở liều thấp, polysaccharid nấm linh chi có khả năng làm hồi phục tế bào tủy xương, hồng cầu, bạch cầu, tế bào giết tự nhiên và làm tăng tế bào lympho T, lympho B và không gây tác dụng phụ nào. Qua đó chứng minh tác động tăng cường hoạt động các tế bào miễn dịch trên chuột bị ức chế miễn dịch góp phần xây dựng nền tảng cho việc áp dụng dược liệu này như liệu pháp chống suy giảm miễn dịch do các biện pháp hóa trị liệu trong ung thư gây ra.
Năm 2005, nhóm nghiên cứu ở Đài Loan tìm ra rằng sợi nấm linh chi làm kích thích tế bào INF-α và IL-6 trong máu sau 8 giờ điều trị với liều (0.2-1.6 mg/ml). Tương tự ở liều (0.2-1.0 mg/ml) của nấm linh chi sau 3 ngày điều trị làm gia tăng sự tiết INF-α trong máu. Kết quả điện di cho thấy sợi nấm linh chi liều 1.6 mg/ml hoạt hóa sự gắn КB AND với tế bào RAW264.7. Kết quả nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng hỗ trợ cho tác dụng điều hóa hệ miễn dịch của nấm linh chi.
Năm 2008, Godfrey Chi-Fung Chan và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về tác dụng của β-glucans trong nấm linh chi đối với hệ miễn dịch. β-glucans là một nhóm hoạt chất phản ứng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, tồn tại trong dược liệu dưới dạng phức polysaccharid. Chất này dễ dàng tìm thấy ở vi khuẩn và nấm và đóng vai trò bắt đầu cho chuỗi phản ứng miễn dịch chống lại vi khuẩn. Dựa trên những thử nghiệm in vitro cho thấy, chất này tương tác với các receptor miễn dịch như Dectin-1, phức hợp receptor (CR3) and TLR-2/6 và kích hoạt các tế bào bao gồm đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu đơn nhân trung tính, tế bào giết tự nhiên. Do đó, β-glucans góp phần điều hòa hệ thống miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được.
Trong một thử nghiệm lâm sàng pha-I về đánh giá độ an toàn và dung nạp của β-glucans ở các liều 100, 200 và 400 mg/ngày và được sử dụng trong 4 ngày liên tiếp, các nhà khoa học không ghi nhận được tác dụng phụ nào. Liên tiếp đo nồng độ cho thấy sử dụng β-glucans đường đuống không ghi nhận được xuất hiện chất này trong máu. Tuy nhiên, có sự gia tăng nồng độ globulin miễn dịch A trong nước bọt đến 400 mg/day, gợi ý tác dụng của chất này trên hệ thống miễn dịch toàn cơ thể. Nghiên cứu trên cũng xác nhận về tiềm năng điều hòa hệ thống miễn dịch của β-glucans trong nấm linh chi khi tác động trên cả hệ thống miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được.
Năm 2009, nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã tìm hiểu về tác dụng của polysaccharid từ bào tử nấm linh chi. Các bào tử của nấm linh chi chứa một lượng lớn các chất hoạt tính sinh học và có hoạt tính sinh học cao hơn thể quả. Tuy nhiên, các thành phần từ bào tử được nghiên cứu ít hơn do những khó khăn trong việc thu thập bào tử và phá vỡ lớp vỏ cứng. Trong nghiên cứu này, polysaccharid hoà tan trong nước có tên GSG được chiết xuất từ bào tử của nấm linh chi. GSG là glucan chia nhánh có chứa nhiều loại liên kết khác nhau. Nó là một tác nhân gây cảm ứng có hiệu quả đối gây tăng tiết MAKPs VÀ Sky phụ thuộc TNF-α và IL-6 ở các đại thực bào ở chuột. Dectin-1 có thể nhận ra GSG và một phần trung gian các hoạt động sinh học của nó. Thêm vào đó, các thử nghiệm in vivo khi sử dụng GSG cho tác động chống khối u trong ung thư phổi Lewis ở chuột. Vì vậy, những kết quả này cho thấy GSG là một tác nhân điều hòa miễn dịch hiệu quả, hứa hẹn là một liệu pháp bổ sung cho liệu pháp chống ung thư.
Bên cạnh đó, hiệu quả điều hòa miễn dịch của chất chuyển hóa miễn dịch của nấm linh chi (GLIS) đối với các đại thực bào đã được nghiên cứu như một bước đệm của các nghiên cứu về tính chống ung thư. Sự gia tăng các đại thực bào tủy xương (BMMs) được tăng cường bởi GLIS phụ thuộc liều. Xét nghiệm vi thể cho thấy nhiều đại thực bào RAW264.7 gia tăng khi điều trị với GLIS. Việc tiếp xúc của đại thực bào RAW264.7 với GLIS đã làm tăng đáng kể lượng NO, làm bùng nổ hoạt động hô hấp tế bào và tăng mức biểu hiện gen của IL-1, IL-12p35 và IL-12p40. Các nghiên cứu chỉ ra rằng GLIS kích hoạt hệ thống miễn dịch bằng cách tăng sản xuất cytokine.
Năm 2011, nhóm nhà khoa học Trung Quốc phân lập được một phân đoạn có hoạt tính được phân lập từ thể quả của nấm linh chi (GLIS) có bản chất là một proteoglycan có tỷ lệ carbohydrat: protein 11,5:1 có khả năng kích thích sự gia tăng lympho bào lách chuột, dẫn đến tăng 3-4 phần trăm tỷ lệ tế bào B. GLIS còn kích hoạt tế bào lympho lách chuột và phần lớn các tế bào B hoạt hóa. Tế bào lympho B được gia tăng, biểu hiện CD71 và CD25 trên bề mặt, kết quả dẫn đến tăng tiết globulin miễn dịch. Các tế bào B cũng tăng tiết nhẹ IL-2 và không ảnh hưởng sự tiết IL-4. Hơn thế nữa, GLIS không ảnh hưởng nồng độ Ca+ nội bào lympho, nhưng có khả năng gia tăng sự biểu hiện của protein kinase C trong tế bào B. Theo đó cho thấy GLIS là một tác nhân kích thích tế bào lympho B.
Năm 2015, các nhà khoa học ở Mỹ đã nghiên cứu trên một nhóm nhỏ người tình nguyện. Sau khi uống linh chi với liều 2g dịch chiết nấm linh chi trong vòng 10 ngày, cho thấy có sự tăng CD56 trên những người uống thuốc với người uống giả dược. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm này chưa thật sự có ý nghĩa thống kê do số lượng mẫu nhỏ và thời gian thực hiện ngắn nhưng cũng bước đầu đưa ra những bằng chứng về tác dụng điều hòa hệ miễn dịch của nấm linh chi.
Với những thành phần khác nhau cho tác động trên các cơ chế đa dạng, nấm linh chi cho tác dụng rõ trong việc tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch. Gia tăng số lượng các loại tế bào của hệ miễn dịch, tăng tiết thể dịch, nấm linh chi góp phần củng cố “hàng rào bảo vệ” hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Các thử nghiệm còn gợi mở ra hướng mới trong việc ứng dụng nấm linh chi để giảm sự suy giảm miễn dịch đối với ngời ung thư đang thực hiện hóa trị liệu./.